Cực thịnh Tiền Tần

Thống nhất Ngũ Hồ

Năm 351
  Tiền Tần
  Tiền Yên
  Đông Tấn
  Tiền Lương
  Đại

Từ khi chưa lên ngôi, Chiêu Đế Phù Kiên đã mộ được danh sĩ người Hán là Vương Mãnh, một mưu sĩ nổi tiếng thời đó, được ví với Trương Lương, Gia Cát Lượng.

Nhờ dùng mưu kế của Vương Mãnh, Phù Kiên giành ngôi báu từ tay bạo chúa Phù Sinh, lần lượt mở mang đất đai ra xung quanh.

Tại phương bắc khi đó ngoài Tiền Tần có các nước Tiền Yên của họ Mộ Dung, nước Bắc Đại của họ Thác Bạt. Hai nước này đều của người Tiên Ti. phía tây là nước Tiền Lương của họ Trương người Hán, vẫn trung thành với nhà Đông Tấn. Địch thủ chính của Tiền Tần khi đó thực ra chỉ có nước Tiền Yên vốn cùng chiếm giữ trung nguyên với Tiền Tần. Do đó, mục tiêu đầu tiên của Tần là diệt Yên.

Nhờ chính sách hòa hợp dân tộc, thu hút nhân tài người Hán, Tiền Tần dưới tay Phù Kiên lớn mạnh rất nhanh.

Năm 370, Kiên sai Vương Mãnh làm tướng, đem 6 vạn quân đi đánh Yên. Dù quân Yên có 40 vạn người nhưng là quân ô hợp, liên tiếp thất bại. Quân Tần thắng như chẻ tre, đánh chiếm Lạc Dương và vây Nghiệp Thành. Phù Kiên nghe tin Vương Mãnh thắng trận, bèn thân chinh mang 5 vạn quân đi tiếp ứng đánh hạ được Nghiệp Thành. Đầu năm 371, Yên U Đế Mộ Dung Vĩ bỏ thành chạy, bị quân Tần đuổi theo bắt sống. Mộ Dung Vĩ trở lại khuyên các tướng Yên quy hàng, vì vậy Phù Kiên thương tình không nỡ giết.

Năm 375, Vương Mãnh chết, Phù Kiên mất một tướng giỏi. Tuy nhiên, ý định nhất thống Ngũ Hồ của ông tiếp tục được thực hiện. Trước lúc lâm chung, Vương Mãnh nói với Phù Kiên: "...Triều Đông Tấn tuy dời về Ngô Việt, nhưng là triều đại chính thống của Trung Hoa. Sau khi thần chết, không nên tấn công Đông Tấn".

Năm 376, Phù Kiên sai hàng tướng Diêu Tràng (em Diêu Tương) đi đánh nước Tiền Lương. Quân nước Tiền Lương của Trương Thiên Tích không chống nổi, Thiên Tích phải đầu hàng.

Sau đó, ông lại sai Phù Lạc đi đánh Bắc Đại. Đúng lúc đó Đại vương Thác Bạt Thập Dực Kiền bị con thứ là Thác Bạt Thiệt Quân đầu độc chết vì Thập Dực Kiền định lập hoàng tôn Thác Bạt Khuê kế vị mà không lập Thiệt Quân. Phù Kiên bèn sai Phù Lạc tiến vào nước Đại, diệt Thiệt Quân, rồi chia đất làm hai, giao cho hai thủ lĩnh người Hung Nô là Lưu Vệ Thần và Lưu Khố Nhân cai quản, dưới quyền Phù Lạc.

Về cơ bản, lần đầu tiên Phù Kiên thống nhất toàn miền bắc Trung Quốc kể từ năm 304.

Mưu sự nhất thống Trung Hoa

Làm chủ miền bắc, Phù Kiên quyết định đánh nốt Giang Nam để thống nhất Trung Quốc. Trước khi khởi đại quân, ông sai các tướng đi đánh miền biên của Đông Tấn. Năm 379, quân Tần vây hãm Tương Dương. Tướng giữ thành là Chu Tự chống trả quyết liệt nhưng cuối cùng bị nội phản nên thành bị hạ. Tự bị quân Tần bắt. Phù Kiên cho Tự hàng. Cùng năm đó, quân Tần lại vây hãm hạ được Bành Thành.

Năm 380, Phù Lạc cậy công đánh được nước Đại nên làm phản. Phù Kiên mang quân nhanh chóng dẹp tan, giết chết Lạc.

Dẹp xong nội loạn, lại tạo được thế bao vây Đông Tấn, Phù Kiên quyết ý cất đại quân đi diệt Đông Tấn, dù nhiều đại thần can ngăn. Để chuẩn bị chiến tranh, ông ra lệnh trưng dụng tất cả ngựa công và tư, các châu quận cứ 10 người thì 1 người phải tòng quân. Ngay cả các con em nhà quyền quý dưới 20 tuổi cũng bị động viên, gọi là quân Vũ Lâm lang. Ông huy động gần 100 vạn quân, gồm 60 vạn bộ binh, 27 vạn kị binh, 3 vạn quân Vũ Lâm lang, đủ các sắc tộc Hán và Hồ, dùng nhiều tướng người Ngũ Hồ đi nam tiến.